Bí Quyết Bảo Quản, Đóng Gói Hải Sản Tươi Sống Mang Về Làm Quà Khi Đi Du Lịch

bi quyet bao quan dong goi hai san tuoi song

Sau khi thỏa sức vi vu Vũng Tàu, trước khi về Sài Gòn bạn làm gì? Nhiều bạn chia sẻ cho Thổ Địa rằng các bạn ấy thường mua quà về cho người thân và bạn bè để san sẻ một chút hương vị của thành phố biển. Một trong những món quà chứa hương vị biển nhiều nhất là hải sản nhưng nếu bạn không biết bí quyết bảo quản, đóng gói hải sản tươi sống thì hải sản mua về sẽ không còn tươi ngon nữa. Thổ Địa mách nhỏ cho bạn 3 bí quyết để mang được hải sản tươi về nhà nhé.

Bí quyết 1: Muốn bảo quản lâu phải chọn hải sản tươi

Kinh nghiệm giữ được hải sản tươi ngon lâu nhất khi mua hải sản về làm quà cho bạn bè và gia đình đầu tiên Thổ Địa muốn chia sẻ cho bạn là nên chọn lựa được những hải sản tươi sống tốt nhất có thể vì quá trình vẫn chuyển dù tốt đến đâu vẫn làm giảm độ ngon của hải sản. Hải sản càng tươi càng dễ bảo quản và lâu hư.

Quảng Cáo

Bạn cần lưu ý rằng thời điểm mua ảnh hưởng đến chất lượng hải sản. Ví dụ như, những ngày trăng khuất thường đánh bắt mực không hiệu quả nên hầu như các tàu thuyền đều không đi câu mực, do đó mực trong khoảng thời gian này không phải là loại tươi ngon nhất. Tương tự, ngày rằm (trăng tròn) nên tránh mua ghẹ, cua, tôm tít vì các loại hải sản này bị ốp, không ngon.

Thổ Địa chia sẻ bạn một số cách chọn hải sản tươi nè:

  • : Tốt nhất là cá còn sống, đang bơi. Nếu chọn cá chết thì chọn những con mắt sáng, ấn nhẹ vào thân thì thấy cá nhanh chóng trở về nguyên hình dạng ban đầu.
  • Mực: Nên chọn những con to, chắc thịt, dày mình, túi mực còn nguyên không bị vỡ vì đó là mực tươi.
  • Tôm: Tôm sống thì chọn những con đang bơi, con tôm nào bạn thấy hơi ngắc ngứ thì nên bỏ qua. Tôm chết nên chọn những con có mày trắng đục hay chuyển sang đỏ, thân còn săn chắc, càng còn nguyên, đầu dính chặt vào thân, không có mùi tanh.
  • Cua, ghẹ: Chọn những con vừa sẽ nhiều thịt và chắc thịt hơn những con to, vỏ cũng không cứng và nặng bằng nên lợi hơn nhiều. Khi mua bạn chú ý phần yếm bấm vào không bị lõm, càng co vào khi nhấc lên thì đó là cua, ghẹ tươi.
  • Nghêu, sò, các loại ốc: Chọn những con không có mùi lạ, vỏ khép chặt, chưa há miệng, vẩy đậy kín.

Bí quyết 2: Mỗi loại hải sản có cách đóng gói riêng

Tôm, cua, cá, ghẹ nếu biết cách đóng gói sẽ kéo dài thời gian vận chuyển, giúp hải sản được tươi lâu hơn.

Cua là loại dễ đóng gói nên không cần bảo quản nhiều. Muốn chuyển cua đi xa với số lượng nhiều, bạn chỉ cần mua thùng xốp, nhớ đục lỗ để cua thở, rồi phủ một lớp khăn tẩm nước để giữ độ ẩm cho cua rồi dán thùng lại. Còn nếu như bạn mua số lượng ít trong tầm 5 con thì nhờ người bán lấy lạt buộc chúng lại với nhau cho dễ xách rồi bỏ vào bao nhựa, tưới 1 ít nước, thỉnh thoảng lại vẩy nước vào cua và tránh phơi nắng.

Các loại hải sản khác như tôm, ghẹ, mực, nghêu, sò và các loại ốc do thời gian duy trì sự sống sau khi cách ly khỏi nước khá ít nên bắt buộc phải đóng gói bằng cách ướp đá. Vẫn sử dụng thùng xốp để giữ nhiệt được lâu mà tránh chảy nước, cứ rải một lớp đá xay nhỏ lại đặt một lớp hải sản cho đến khi đầy thùng. Mực và các loại cá nếu bạn muốn vệ sinh hơn thì nhờ người bán hàng hút chân không trước khi ướp đá. Bạn nhớ lưu ý là lớp cuối cùng cũng phải là lớp đá nhé. Sau đó dậy nắp và băng kín thùng lại là xong. Nếu cẩn thận thêm nữa thì bạn bọc một lớp bọc nhựa bên ngoài thùng xốp.

Riêng tôm hùm còn sống, bạn phải đóng gói bằng cách nhờ chủ vựa hải sản làm sốc nhiệt đột ngột để tôm rơi vào trạng thái ngủ đông, tức là cho tôm đột ngột vào độ lạnh thích hợp, sau cho cho vào túi ni lông và bơm ôxi vào, cột chặt rồi cho vào thùng xốp. Lúc đóng hộp nhớ xin thêm một vài miếng rong biển lớn đã nhúng đẫm nước phòng trường hợp bạn chưa chế biến tôm ngay khi về mà còn muốn bảo quản lâu hơn.

Bí quyết 3: Chú ý thời gian bảo quản của từng loại hải sản

Cũng giống như cách đóng gói, mỗi loại hải sản đều có 1 khoảng thời gian nhất định mà nếu vượt qua thì hải sản sẽ bị gầy, thịt bị bở nên không còn ngon và ngọt. Vì thế, Thổ Địa lưu ý cho bạn khoảng thời gian bạn có thể giữ các loại hải sản ở mức tươi ngon nhất.

Ghẹ mua về cần chế biến trong vòng 3 ngày, tốt nhất vẫn nên chế biến liền vì ghẹ rất khó giữ lâu mà không bị hao thịt. Cua không nên để quá 1 tuần và phải giữ cua luôn sống bằng cách đặt cua ở nơi thoáng mát, thỉnh thoảng vẩy nước lên cua để giữ ẩm. Tôm hùm cần nước biển đề sống, nếu không tôm không thể sống lâu. Trong điều kiện bạn giữ tôm trong thùng xốp và đắp rong biển ướt lên người thì tôm có thể sống được 3 ngày. Nghêu, sò, ốc chưa chế biến ngay thì có thể bảo quản 24 giờ nếu để trong ngăn mát tủ lạnh, trữ đông thì có thể giữ được khoảng 2 tuần.

Thổ địa mách nhỏ nếu bạn muốn mua hải sản ở Vũng Tàu về làm quà thì có thể ghé các chợ và các vựa để mua được hải sản tươi sống với giá tốt nhất nhé.

4.7/5 - (15 bình chọn)
Quảng Cáo
Quảng Cáo

2 thoughts on “Bí Quyết Bảo Quản, Đóng Gói Hải Sản Tươi Sống Mang Về Làm Quà Khi Đi Du Lịch

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.