Trên chuyến hành trình du lịch khám phá miền đất mới, việc tham gia vào các lễ hội là một hoạt động được các du khách trong và ngoài nước đều ưa thích. Tuy nổi trội với những ưu thế về biển nhưng không vì vậy mà Vũng Tàu mờ nhạt về văn hóa. Hãy thử một lần ghé thăm thành phố biển và hòa mình vào không khí rộn ràng của các lễ hội ở Vũng Tàu 2023, bạn chắc chắn sẽ có cảm nhận vô cùng khác biệt.
Lễ hội Nghinh Ông – một trong các lễ hội ở Vũng Tàu hấp dẫn đông đảo du khách
Lễ hội Nghinh Ông diễn ra trong ba ngày từ 16 đến 18 tháng 8 âm lịch hằng năm, tại đình thần Thắng Tam, đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Vũng Tàu. Đây là lễ hội nước tiêu biểu đối với ngư dân thành phố biển và lễ hội này còn được Tổng cục Du Lịch bầu chọn vào top 15 lễ hội lớn của cả nước.
Xem giới thiệu chi tiết về Lễ Hội Nghinh Ông Vũng Tàu
Những ngư dân vùng biển thường tôn loài cá Ông giống như một vị thần linh, là nơi nương náu tâm linh mỗi khi dong thuyền ra khơi gặp gió lớn, gặp bão, sóng to… Dần dần hình thành nên tín ngưỡng dân gian rộng rãi qua các thế hệ ngư dân địa phương.
Lễ hội Nghinh Ông tưng bừng suốt ba ngày, thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách phương xa. Theo như thủ tục của nghi lễ, sáng sớm ngày đầu tiên, những vị bô lão, các ngư dân mặc trang phục chỉnh tề, chiêng trống uy nghiêm, khởi hành từ Bãi Trước tới miếu Hòn Bà mũi Nghinh Phong để dâng hương xin thỉnh Ông về đình thần Thắng Tam để cúng tế.

Ngày thứ hai của lễ hội tiếp tục với các hoạt động khác như cúng cầu ngư, cầu yên bình ấm no, đánh bắt được nhiều cá tôm… và những buổi biểu diễn hát tuồng, hát bả trạo, hát bội đặc sắc. Khách quan đến với lễ hội truyền thống này của Vũng Tàu sẽ có cơ hội tham gia nhiều trò chơi dân gian thú vị như gánh cá chạy trên cát, đan lưới, chạy tiếp sức trên cát…
Lễ hội Trùng Cửu
Lễ hội Trùng Cửu được xem là lễ hội cầu an cho mọi người dân với mong muốn nhiều sức khỏe, bình an, hạnh phúc. Địa điểm tổ chức của lễ hội là ở nhà Lớn Long Sơn, thôn 10, thuộc địa phận xã Long Sơn. Thời gian bắt đầu từ đêm mùng 8 và ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch. Hàng vạn lượt khách sẽ từ các tỉnh thành lân cận như Vĩnh Long, TP.HCM, Đồng Nai, Tiền Giang… nườm nượp đổ về.
Đêm mùng 8 là lễ Tiên Thường kỉnh mặn và ngày 9/9 là lễ Chánh giỗ kỉnh chay. Lễ hội không chiêng trống linh đình như một số các lễ hội truyền thống ở Vũng Tàu khác mà chủ yếu là dâng hương, cầu nguyện nhằm tưởng nhớ đến ân đức của Ông Trần với các sản vật do người dân mang đến cúng kính.
Vào hai ngày của lễ hội, du khách tập trung dự lễ ở Nhà Lớn Long Sơn. Bạn sẽ có dịp cận cảnh kiến trúc cổ xưa của Nhà Lớn cùng các cổ vật quý hiếm. Lễ hội Trùng Cửu cho thấy một khía cạnh đặc biệt trong toàn cảnh bức tranh tín ngưỡng tôn giáo, nghệ thuật dân gian đa dạng, phong phú.
Lễ hội Dinh Cô
Mở đầu cho các lễ hội truyền thống ở Vũng Tàu trong năm là lễ hội Dinh Cô diễn ra ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, từ ngày 10 đến 12/02 âm lịch. Dinh Cô được biết đến là một công trình kiến trúc đồ sộ, được xây dựng vào cuối thế kỷ 18 bên cạnh là một sườn đồi nhỏ, phía trước là biển Long Hải.
Lễ hội Dinh Cô được xem là một lễ hội lớn nhất vùng biển Nam bộ. Dịp lễ hội là thời khắc để hàng ngàn du khách ở khắp nơi đến tham dự và dâng hương cầu nguyện những điều tốt lành và thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình.
Trước ngày chánh lễ là đêm hội hoa đăng trên biển. Những chiếc thuyền đủ chủng loại kết hoa đăng đậu kín trên bờ biển hướng về phía Dinh Cô. Vào ngày chánh lễ 12/02, các ghe thuyền đã ra biển làm lễ Nghinh Cô từ sớm. Một chiếc ghe được dân chài chọn là đi biển giỏi nhất trong năm sẽ dẫn đầu đoàn, ở trên có ngai, long vị Cô cùng các bô lão, các vị của ban nghi lễ, đội lân sư rồng. Đoàn ghe thuyền nối đuôi nhau ra khơi trong tiếng trống rộn vang đất trời. Sau khi đi được một đoạn thì mọi người thực hiện nghi lễ trang trọng để rước Cô cùng các vị thần linh, ông bà tổ tiên về dinh ăn giỗ.
Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành
Miếu Bà Ngũ Hành do ngư dân thành phố biển lập nên để thờ phụng 5 vị thần nữ là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ cùng Thánh Mẫu Thiên Y Ana, Thủy Long Thần Nữ nên mọi người thường gọi là bảy bà. Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành diễn ra trong ba ngày từ 16 đến 18 tháng 10 âm lịch với các nghi thức tế lễ nghiêm trang cũng như các lễ hội truyền thống ở Vũng Tàu nói chung. Đầu tiên là lễ rước cờ lọng, Ngũ sự, tiếp đến là lễ nghinh thỉnh Bà Thủy Long Thần Nữ tại miếu Hòn Bà ở Bãi Sau.
Du khách hành hương tập trung rất đông trong các ngày lễ tạo nên bầu không khí rất náo nhiệt. Mọi người đến đây đều có chung một ước mong là sự may mắn, bình an cho cả năm. Bên cạnh các nghi lễ thì còn có các chương trình như diễn tuồng cổ, múa lân, các trò chơi dân gian… phục vụ người dân và du khách trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.
Xem thêm: 4 Ngôi Chùa Nổi Tiếng Tại Vũng Tàu